Sức mạnh văn hóa truyền thống Nhật Bản

Văn hóa Nhật Bản







văn hóa truyền thống nhật bản

Sức mạnh văn hóa truyền thống Nhật Bản



   Bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần dân tộc là gốc rễ hình thành nên những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nếu chúng ta cứ mải mê chạy theo những giá trị hiện đại, chạy theo lối sống nhanh và thực dụng du nhập từ phương Tây qua quá trình hội nhập, rồi quay lưng lại với cội rễ, phủ nhận những nét đẹp văn hóa tinh thần, đạo đức truyền thống. Không bao lâu nữa Việt Nam sẽ đánh mất đi bản sắc riêng và “hòa tan” vào thế giới.
   Trước vài hình ảnh chưa đẹp trong lễ khai ấn đề Trần diễn ra 2 ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch vừa qua tại Nam Định, có một số ý kiến và báo đài cho rằng, để tình trạng trên không còn tái diễn, chúng ta nên ngừng tổ chức các lễ hội, thay vào đó là tập trung phát triển mạnh kinh tế và hội nhập quốc tê. Thế nhưng, đây chỉ là cách giải quyết tiêu cực với hệ lụy khó mà tính toán, hình dung hết được.
   Nhìn sang xứ sở mặt trời mọc, không chỉ nổi tiếng với nền kinh tế hùng mạnh, người dân Nhật bản còn cho tất cả các dân tộc trên thế giới một bài học sâu sắc về đạo đức, những chuẩn mực làm người và truyền thống dân tộc. Nhớ lại, thảm họa sóng thần năm 2011 đã khiến hàng vạn người Nhật mất hết nhà cửa, mất hết người thân... vậy mà họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận từng nắm cơm trắng, cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng được xếp thành hàng ngay ngắn tại khi trú nạn. Không hỗn loạn, không tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai kêu than, Có chăng chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ như lặn vào sâu thẳm.
   Chắc hẳn chúng ta vẫn nhớ câu chuyện cảm động được một người Việt sống ở Nhật Bản, anh Hà Minh Thành chia sẻ về em học sinh lớp 3 đã tận mắt chứng kiến cha mình bị nước cuốn trôi khi đứng trên ban công lầu 3 của trường, mẹ và em cũng không may mắn thoát khỏi thảm họa. Khi đó, anh Thành đã chủ động nhường khẩu phần ăn tối của mình cho em. Thế nhưng sau khi đón nhận và cảm ơn, em đã đi thẳng lên chỗ phân phát thực phẩm, để bao lương khô vừa được trao cho vào thùng phân phát rồi quay lại xếp hàng như mọi người. “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ” – một học sinh lớp 3 lại hiểu chuyện đến như thế.

   Câu chuyện này đã được rất nhiều báo chí trong nước đăng tải, gây xúc động mạnh mẽ và xem đây là “điều kỳ diệu” chỉ xảy ra tại Nhật Bản. Một em học sinh 9 tuổi đã dạy cho chúng ta bài học làm người trong lúc khốn khó nhất, một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Rõ ràng, không phải sức mạnh công nghệ hay sức mạnh kinh tế, mà chính sức mạnh của truyền thống dân tộc Nhật Bản đang khiến cả thế giới phải ngã mũ thán phục.

   Sau trận động đất gây sóng thần ở Nhật Bản, nhiều nhà nghiên cứu đã lao vào tìm hiểu xem “Điều gì đã tạo nên kỳ tích ở Nhật Bản?” và câu trả lời chính là “Đức tin và giáo dục đạo đức”. Đa số người Nhật đều theo Thần giáo, Phật giáo và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín truyền thống của Nho giáo. Người Nhật đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: một dân tộc có “đức tin” và mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc thì luôn có chuẩn mực đạo đức. Điều đó đã tạo nên một kỳ tích Nhật Bản, khiến bất kỳ một nhà giáo dục hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng đều ngưỡng mộ.

   Quay trở lại Việt Nam, lễ khai ấn Đền Trần tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm là một tập tục văn hóa truyền thống mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn non sông, cha ông ngày xưa và nhắc nhở người dân về truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

   Ngày nay hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ làm lễ, bên trong chứa đựng hai con dấu: một quả khắc hai chữ “Trần Miếu” trên mặt, quả kia khắc chữ “Trần Triều Điển Cố, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ Triện. Qua đó, Nhà Trần muốn ban phúc và truyền dạy cho con cháu cùng ‘bách gia trăm họ” phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, “phúc đức càng dày thì hưởng lộc càng bền vững”.

   Ấn đền Trần được phân phát với mục đích đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc nếu mỗi người đến đền Trần đều gạt bỏ đi những toan tính lợi lộc của bản thân. Chỉ khi thật sự hiểu đúng giá trị đích thực và tham gia sự kiện này với “cái tâm” của người đi lễ thì lễ hội khai ấn Đền Trần càng mang nhiều giá trị và ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, như mong muốn của Nhà nước khi quyết định tổ chức trọng thể sự kiện văn hóa này.

   Lễ hội càng trở nên gần gũi với truyền thống khi mỗi chúng ta thật sự am hiểu về giá trị, ý nghĩa nhân văn của nó, từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử cho phù hợp. Không thể vì một số hình ảnh chưa đẹp mà phủ nhận toàn bộ ý nghĩa tốt đẹp của các giá trị truyền thống. Hãy để lễ hội là nguồn cảm hứng và động lực cho thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa tinh thần, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của dân tộc.

Sức mạnh văn hóa truyền thống Nhật Bản Sức mạnh văn hóa truyền thống Nhật Bản Reviewed by Tiếng Nhật Kosei on 2.3.18 Rating: 5

No comments:

Nhật ngữ Kosei. Powered by Blogger.