Đôi đũa trong văn hóa Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản
Đôi đũa vẫn tồn tại lặng lẽ như thế trong văn hóa Nhật Bản, không nổi bật nhưng lại là một phần không thể thiếu. Hãy cùng Trung Tâm Tiếng Nhật Kosei tìm hiểu về nền văn hóa nhật bản qua đôi đũa truyền thống các bạn nhé.
Đôi đũa trong văn hóa Nhật Bản
Nói đến đũa là người ta nghĩ ngay đến một vật dụng không thể thiếu trên bàn ăn và trong nền ẩm thực của một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… Chỉ là hai chiếc que bằng gỗ hoặc kim loại vô cùng mộc mạc và giản dị nhưng chúng đã góp phần tạo nên nét đặc sắc cho nền ẩm thực của các nước phương Đông. Không chỉ văn hóa ẩm thực mà đôi đũa còn trở nên thân quen hơn trong đời sống khi nó trở thành đối tượng cho những phong tục, tập quán của con người Đông phương… Tại Nhật Bản, đũa du nhập từ Trung Quốc thông qua Triều Tiên. Và như chúng ta đã biết, văn hóa trà Trung Hoa khi vào Nhật Bản được con người nơi đây nâng lên một tầm cao là Trà Đạo, đôi đũa khi tới Nhật vào thế kỷ thứ 7 cũng không ngoại lệ…
Đôi đũa trong truyền thống văn hóa Nhật Bản
Bữa ăn truyền thống thông thường của Nhật Bản thường theo nguyên tắc ichijuu sansai (一汁三菜), có nghĩa là cơm được ăn kèm với một món canh và ba món khác nhau. Món canh thông thường là súp miso, ba món còn lại là mukouzuke (món sống), nimono (món hầm) và yakimono (món nướng), ăn kèm theo các món phụ. Tuy nhiên, bữa ăn ở Nhật cũng không hoàn toàn tuân theo quy tắc ichijuu sansai này. Một bữa ăn có thể chỉ là một chén canh miso và một món ăn bình thường, hay một chén canh với khá nhiều loại đồ ăn khác nhau. Dù vậy, mỗi một bữa ăn người Nhật chuẩn bị, cho dù là một món ăn nào thì việc dùng đũa để ăn là một việc hết sức quan trọng. Các món ăn được làm và được bày ra trong những chiếc chén, những chiếc dĩa làm sao cho có thể dễ dàng gắp bằng đũa. Khi nhìn một bàn ăn của người Nhật Bản, có thể nói bữa ăn đó chỉ có thể dùng đũa để ăn mà thôi. Tuy rằng trước khi có đũa, họ chỉ ăn bằng tay nhưng khi mà văn hóa đũa tràn vào đất nước mình, họ đã tiếp nhận nó một cách tinh tế như vậy.
Người ta đã nghĩ đến việc đũa là dụng cụ ăn uống được người dân sử dụng hằng ngày, phục vụ cho bữa ăn của người Nhật quanh năm suốt tháng, do đó nên chọn lấy để tỏ lòng cảm tạ đôi đũa. Do tên gọi của đôi đũa là hashi nên người ta đã chọn ngày 4 tháng 8 làm ngày lễ hội đũa. Hiểu theo cách chơi chữ của người Nhật, số 4 được đọc là shi còn số 8 đọc là hachi. Vì vậy cách đọc ha-shi của đôi đũa nghĩa là 8-4 theo cách nói tháng trước ngày sau của người Nhật. Do đó, ngày lễ hội đũa sẽ được diễn ra vào ngày 4 tháng 8 hàng năm. Và kể từ năm 1975 thì ngày 4 tháng 8 chính thức được gọi là ngày hashi no hi (箸の日) hay hashi matsuri (箸祭). Mục đích của ngày lễ này là để “cảm tạ đôi đũa và cung dưỡng linh hồn đũa”. Ngày lễ này được tổ chức hàng năm như một ngày lễ của Thần đạo. Ngày lễ đũa thường được tổ chức ở các đền thờ Thần đạo. Nghi lễ chính của ngày lễ đũa là mọi người lần lượt gửi những lời cầu nguyện của mình vào đôi đũa chưa dùng, lần lượt ném đôi đũa đó vào trong một chảo lửa lớn đặt giữa sân đền. Nghi thức này gọi là “cung dưỡng đũa” . Trong đó, người ta thường cầu nguyện cho được thành đạt, cầu phúc và giải trừ tai họa, xin trường thọ, không bệnh tật,… Và cùng với nó là tấm lòng cảm tạ những đôi đũa vì đã liên tục phục vụ cho con người suốt cả năm.
Đôi đũa trong đời sống hiện nay
Những nguyên tắc nghiêm ngặt của việc sử dụng đũa, từ việc nhấc đôi đũa trên bàn lên để sử dụng, cho đến gác đũa và những điều cấm kỵ nên tránh khi dùng đũa, trước đây rất được chú ý và trở thành thói quen của mỗi người từ nhỏ. Tuy nhiên hiện nay phần lớn người trẻ bỏ qua nhiều quy định trong số đó, và có nhiều trường hợp còn không biết cách cầm đũa cho đúng đắn, hay cách sử dụng đũa cho khéo léo. Điều này gây nên cảm giác khó chịu đối với nhiều người Nhật đứng tuổi.
Những thay đổi này trong thói quen sử dụng đũa của người Nhật trẻ có lẽ là do tác động của môi trường Nhật Bản hiện đại, do thói quen ăn uống, sự xâm nhập rộng rãi của ẩm thực phương Tây, sự thay đổi về cơ cấu gia đình và các quan niệm về gia đình,…
Tuy nhiên, dù cho những thói quen sử dụng đũa có thay đổi hay bị mai một đi, thì đôi đũa vẫn được xem là dụng cụ ăn uống chính của người Nhật, và đến giờ họ vẫn giữ thói quen khi dùng đũa thì chỉ dùng đũa chứ không dùng dụng cụ khác.
Ở Nhật Bản hiện nay người ta có thể mua đũa ở siêu thị hay các cửa hàng bách hóa (conbini コンビニ), và đặc biệt có những cửa hàng chuyên dụng chỉ chuyên bán đũa các loại và những thứ liên quan đến đũa (gác đũa, hộp đũa, bao đũa,…). Những cửa hàng này gọi là hashiya (箸屋 – cửa hàng đũa). Đây cũng là một điều đặc biệt ở Nhật Bản, khi người ta có hẳn những cửa hàng riêng để bán đũa như thế này. Tuy nhiên những cửa hàng như thế này không phổ biến lắm và sự tồn tại của những cửa hàng này không phải ai cũng biết.
Phong trào “My hashi”
Với những lời cảnh báo về môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường của cộng đồng thế giới, Nhật Bản hiện nay đang nổ ra phong trào có tên gọi là My Hashi, phong trào này nổ ra mạnh mẽ nhất là trong giới trẻ Nhật.
Mục đích của phong trào này là kêu gọi mọi người hạn chế thậm chí là không dùng waribashi nữa, thay vào đó là dùng đôi đũa của riêng họ do họ mang theo. Như ở phần trên đã nêu rõ, mỗi người Nhật hàng năm sử dụng khoảng 200 đôi và trung bình đất nước Nhật quăng vào sọt rác khoảng 90 000 tấn gỗ. Đây là con số làm bằng chứng cho sự hoang phí về tài nguyên gỗ. Những con số, những lời cảnh báo về môi trường giúp mọi người có ý thức hơn về việc mang theo và sử dụng đôi đũa của riêng mình. Mỗi người sẽ tự mang theo đũa của mình và sử dụng nó trong các quán ăn, nhà hàng thay vì sử dụng waribashi như truyền thống. Nhiều nhà hàng hay quán ăn cũng ủng hộ phong trào này. Những nơi này sử dụng đũa có thể dùng lại được và họ chỉ đưa waribashi cho những ai yêu cầu mà thôi. Ngoài ra, những nơi này còn có sự ưu đãi đối với những người mang theo đôi đũa của mình ví dụ như giảm giá hay những ưu đãi khác.
Phong trào này hiện đang nổ ra mạnh mẽ và đang được ủng hộ mạnh mẽ ở Nhật và có hình thức tuyên truyền khác nhau cho phong trào này như website, báo chí… Thật sự thì đôi đũa không quá cồng kềnh cũng như không quá vướng víu để người ta không thể mang theo. Đôi đũa của họ dùng vẫn là đôi đũa của cá nhân Hơn nữa, việc dùng đôi đũa của riêng mình vẫn đảm bảo được những yêu cầu khắt khe về vệ sinh, quan niệm về sự thanh khiết hay sạch sẽ của họ và thể hiện sự quan tâm đến môi trường cũng như nền kinh tế của đất nước.
Đôi đũa trong văn hóa Nhật Bản
Reviewed by Tiếng Nhật Kosei
on
26.12.17
Rating:
No comments: