Tìm hiểu nền văn hoá Thần đạo Nhật Bản
Thần đạo là một trong những tôn giáo chiếm đa số tại Nhật. Có rất nhiều đền thờ thần tại quốc gia này và nhiều người tôn kính các vị thần trong văn hóa tâm linh của họ. Cùng Kosei tìm hiểu về nền văn hoá Thần đạo Nhật Bản trong bài viết dưới đây nhé!
Nguồn gốc lịch sử của tôn giáo Thần đạo Nhật Bản
Thần đạo Nhật Bản là một tín ngưỡng, văn hóa tâm linh nổi tiếng và là chủ yếu tại Nhật Bản. Thần đạo xuất hiện từ rất lâu trước công nguyên. Các nghi lễ thường được tổ chức rất trang trọng trong những hang đá hay những địa điểm linh thiêng. Điều này được ghi chép lại trong Nhật Bản thư kỷ. Thần đạo từ khi xuất hiện dần phát triển và truyền bá đến nhiều người hơn và được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại Nhật.
- Ở thế kỷ thứ VI khi Nho giáo và Phật giáo xuất hiện tại Nhật, Thần đạo vẫn tiếp tục được truyền bá và mở rộng đến người dân.
- Thời kỳ Asuka, các thần xã được xây dựng nhưng Thần đạo bị Phật giáo áp đảo hơn.
- Thế kỷ thứ XVIII thời kỳ Edo, Thần đạo Nhật Bản được phát triển trở lại và tách biệt khỏi Phật giáo. Tuy nhiên trước sự ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo thì Thần đạo vẫn chưa được công nhận là quốc giáo. Tuy nhiên những người mong muốn mang Thần đạo nguyên thủy trở lại tiếp tục đấu tranh.
- Khi chế độ Mạc phủ sụp đổ và Thiên Hoàng Minh Trị lên nắm quyền thì Thần đạo đã được tách hoàn toàn ra khỏi Phật giáo và khôi phục lại Thần kỳ quan (cơ quan lo việc tôn giáo) để Thần đạo phát triển trở lại. Năm 1870, Đại giáo công bố và thực thi chính sách đưa Thần đạo trở thành quốc giáo.
Những nét đặc trưng của Thần đạo Nhật Bản
Vị thần Kami trong Thần đạo Nhật Bản
Những vị thần trong Thần đạo của Nhật Bản được gọi chung là Kami. Những vị thần này có thể là các vật linh thiêng có trong tự nhiên như: mặt trời, mặt trăng, gió, núi, sông ngòi, cây cối, đá, sấm sét, mưa,... và linh hồn của người đã mất (có thể là tổ tiên của Nhật hoàng, tổ tiên của các gia đình hay những người có công với đất nước).
Người Nhật Bản quan niệm rằng những vị thần thường tồn tại dưới hình dạng của các động vật, thực vật, các cảnh quan tự nhiên, các hồ nước, sông suối. Những vị thần luôn được tôn thờ và được mọi người tôn kính, thường có những miếu thờ riêng từ xa xưa hay các đền thờ thần như ngày nay. Trong thần đạo, nữ thần Amaterasu là vị thần nổi tiếng nhất mà người Nhật nào theo Thần đạo cũng biết đến.
Phong tục cầu nguyện của Thần đạo
Như những tôn giáo khác sẽ có những kinh kệ, kinh thánh riêng thì đối với Thần đạo Nhật Bản lại không có điều này. Tôn giáo này cũng không có bất kỳ điều luật nào và cũng không có những điều răn để những người theo thần đạo phải làm theo. Đây là một trong những điều khác biệt và đặc biệt ở thần đạo.
Trong Thần đạo, khi cầu nguyện người Nhật chỉ sử dụng câu cầu nguyện, khấn cổ được truyền miệng lại từ xa xưa trước đây là “norito” hay “norii”. Câu cầu nguyện này được biết có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước đây, được người dân theo thần đạo lưu truyền và giữ gìn đến ngày nay.
Đề cao tinh thần của sự thanh tẩy
Thần đạo Nhật Bản thường đề cao sự sạch sẽ và thanh tẩy. Khi đến những nơi tôn nghiêm như đền thờ thần thường có một hồ nước được đặt trước lối vào đền thờ chính. Những người theo thần đạo hay những người khác phải thanh tẩy bằng cách dùng nước này để rửa tay, súc miệng trước. Khi đã thanh tẩy sạch sẽ, mọi người mới có thể bước vào điện thờ để hành lễ với các vị thần.
Điều này được người theo thần đạo quan niệm khi gặp thần phải giữ cho cơ thể thật sạch sẽ. Vì thế nên những hồ nước, nơi rửa tay, súc miệng đều được đặt trước lối vào để mọi người có thể thanh tẩy mình trước rồi mới vào gặp thần để tỏ lòng tôn kính.
Trên đây là bài viết về văn hoá Thần đạo Nhật Bản mà Trung tâm tiếng Nhật Kosei cung cấp. Hi vọng bài viết đã mang lại nhiều thông tin bổ ích cho các bạn đọc!
No comments: