Lối sống tối giản của người Nhật: Câu chuyện của chính tác giả, Fumio Sasaki
Bạn có từng nghe tới lối sống tối giản của người Nhật chưa? Cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei tìm hiểu về lối sống đơn giản nhưng hạnh phúc này nhé! Nếu có thể, hãy thử làm theo một số cách đề cập trong bài viết dưới đây và tự tìm kiếm một cuộc sống mà bạn thích.
Lối sống tối giản là gì?
Lối sống tối giản được hiểu là cách sống cắt giảm những đồ dùng không cần thiết xuống mức tối thiểu. Càng ít để ý tới những đồ đạc xung quanh, bạn càng có nhiều tâm trí để quan tâm tới hạnh phúc của chính bạn.
Lối sống hướng đến sự đơn giản, hạnh phúc từ tâm hồn xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nhau với những tên gọi khác nhau như lối sống “hygge” ở Đan Mạch, “Danshari” ở Nhật Bản.
Đối với người Nhật, Danshari gồm 3 chữ Dan 断 (từ chối) - Sha 捨 (vứt bỏ) - Ri 離 (tránh xa) mang ý nghĩa là từ chối những đồ dùng không cần thiết đối với cuộc sống của bạn, vứt bỏ những vật dụng không còn cần thiết và tránh xa khỏi những ám ảnh về phần vật chất bên ngoài con người bạn. Như vậy, bạn sẽ không còn để ý tới những thứ dư thừa xung quanh, dành toàn tâm toàn ý tìm kiếm chính hạnh phúc của bạn.
Người Nhật có suy nghĩ rằng: “Chẳng có ai từ khi chào đời đã có đồ đạc trong tay. Vì thế, mỗi người, khi còn là những đứa trẻ đều là những người sống tối giản. Nhưng khi lớn lên, cứ mỗi lần bạn chọn sở hữu đồ dùng nhiều hơn mức cần thiết là một lần bạn đánh mất tự do của chính bản thân.
Nhiều người Nhật hiện đại hướng mình tới cuộc sống tối giản, hạn chế đồ dùng. Họ loại bỏ bớt đồ đạc nhằm giảm bớt công sức bảo quản, chăm sóc hay sắp xếp đồ đạc thường xuyên. Ít đồ đạc cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiết kiệm được tiền bạc và cả thời gian cho những điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống.
Lối sống tối giản không chỉ hiểu đơn giản là việc vứt bớt đồ dùng dư thừa mà còn được ứng dụng vào thời trang, nội thất hay kiến trúc. Thời trang tối giản được thể hiện bởi những gam màu đơn sắc, đường nét đơn giản, không cầu kỳ mà hướng đến sự thanh lịch, tinh tế. Giống như thời trang, nội thất và kiến trúc cũng sẽ lựa chọn màu sắc theo từng gam màu đơn giản, các thiết kế chỉ hướng tới tính năng sử dụng cần thiết cho người sử dụng, không có bất kỳ vị trí nào thừa thãi hết.
Fumio Sasaki là ai?
Cá nhân mình thấy, lối sống tối giản trở nên phổ biến ở Việt Nam bởi cuốn sách của một tác giả người Nhật. Đó là cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” - khơi gợi lối sống tối giản trong mỗi người đọc, của tác giả Fumio Sasaki.
“Tôi là một người đàn ông độc thân, 35 tuổi. Tôi là biên tập viên của một nhà xuất bản. Tôi mới chuyển đến sống ở Fudomae, Tokyo. Giá thuê nhà ở đây rẻ hơn nhiều nhưng vừa chuyển nhà đến đây nên ngân sách hiện tại của tôi vô cùng eo hẹp.
Có người nhìn tôi như một kẻ thất bại: không giàu có và cô đơn. Nếu là tôi trước kia thì tôi sẽ xấu hổ và không dám công nhận điều đó vì tôi lúc nào cũng có một niềm tự tôn vô nghĩa về bản thân. Nhưng bây giờ, tôi không còn quan tâm đến chuyện đó nữa bởi lý do rất đơn giản: tôi thực sự hạnh phúc với chính mình vì tôi đã bỏ đi hầu hết những tài sản về mặt vật chất của mình.”
Đó là chia sẻ của Fumio Sasaki về chính bản thân anh. Vốn dĩ trước đây, Sasaki không phải một người theo đuổi chủ nghĩa tối giản, anh cũng giống những người khác, mua nhiều đồ đạc, vật dụng và cho rằng những vật ngoài thân đó sẽ giúp anh làm tăng giá trị của bản thân và làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
“Căn hộ của tôi lúc nào cũng bừa bộn đồ đạc. Tôi có nhiều sách đến mức mà không đủ chỗ để trên giá nhưng hầu hết tôi đều chưa đọc quyển nào hết. Bộ sưu tập đĩa CD, DVD chiếm rất nhiều diện tích, tủ quần áo lúc nào cũng chật, đều là quần áo tôi thích nhưng tôi cũng chỉ mặc chúng có vài lần. Góc phòng có guitar và dàn loa đã bị phủ bụi vì tôi chẳng còn có thời gian rảnh để tận hưởng chúng.
Cho đến khi anh được đánh thức bởi một bài viết về sống tối giản, anh cảm thấy chán ghét mớ hỗn độn bên trong căn phòng của mình nhưng không có đủ thời gian và công sức dọn dẹp vì có quá nhiều đồ đạc.
Bằng việc vứt bỏ đồ dùng không cần thiết, Sasaki cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày và dần dần anh hiểu ra thế nào là hạnh phúc. Nếu bạn nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện thì hãy thử từ bỏ một số đồ dùng xung quanh không còn hữu ích nữa. Khi không còn nhiều đồ đạc xung quanh mình, Sasaki chia sẻ đã cảm thấy hạnh phúc hơn và thấu hiểu hạnh phúc trong căn hộ tối giản của anh.
Xắn tay áo loại bỏ vật dụng thừa thãi theo đuổi lối sống tối giản của người Nhật
1. Loại bỏ vật dụng không được sử dụng trong 1 năm trở lại đây
Nếu suốt 4 mùa mà bạn đều không cần đến đồ dùng đó thì bạn sẽ chẳng bao giờ dùng nó nữa. Sasaki còn nói thêm rằng: mọi người không thích nhà cửa bị bám bụi, nhưng nó là dấu hiệu để nhắc nhở chúng ta nên bỏ đồ dùng đó đi thì tốt hơn.
2. Đồ dùng trong nhà giống như một người bạn cùng phòng, chỉ là không tự trả tiền thuê nhà mà thôi
Hiển nhiên, đồ dùng trú ngụ trong ngôi nhà bạn nhưng không trả tiền thuê nhà, vì thế nếu đến cả việc nhà cũng không giúp được thì còn chứa chấp chúng làm gì?
3. Nhà có nhiều khoảng trống
Dành những khoảng trống trong nhà và thoải mái với sự tĩnh lặng mà nó đem lạng. Đừng cố nghĩ cách lấp đầy nó bằng những đồ dùng trang trí hoặc vật dụng thừa thãi.
4. Hãy vứt nó đi nếu bạn đã từng nghĩ đến việc vứt nó không dưới 5 lần
Đừng tốn thời gian suy nghĩ đến 5 lần mà chưa vứt đồ dùng đó đi! Dứt khoát bỏ món đồ đó đi và dành thời gian đó tìm kiếm điều gì thú vị cho chính bản thân bạn!
Lối sống tối giản của người Nhật đang dần trở thành xu hướng mới của giới trẻ, những người muốn tiết kiệm tiền cho đồ đạc vật chất để trải nghiệm nhiều hơn. Bạn có thích xu hướng sống tối giản của người Nhật không?
No comments: